Giai cấp công nhân phát huy tính tiên phong, sáng tạo

- Advertisment -

Năm 2022, Tháng Công nhân sẽ được triển khai với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Đây cũng là năm thứ 11 các cấp Công đoàn trên cả nước triển khai các hoạt động cao điểm, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân.

1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó

Với mong muốn đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, anh Hoàng Anh Tuấn – nhân viên kỹ thuật bộ phận Engineering, Công ty TNHH Toyoda Boshoku (Khu Công nghiệp Nomora thành phố Hải Phòng) đã có sáng kiến hiệu quả tham gia chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động. Đặc biệt, sáng kiến của anh Tuấn đã được lãnh đạo Công ty công nhận, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong đơn vị, có giá trị làm lợi 3,8 tỷ đồng/năm.

Chú thích ảnh
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi và biểu dương sáng kiến của anh Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: CTV

Xuất phát điểm từ một công nhân sản xuất trực tiếp, anh Tuấn đã không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và trình độ ngoại ngữ để nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vận dụng vào quá trình làm việc. Trong 13 năm làm bộ phận cắt, anh Tuấn đã có 30 sáng kiến, cải tiến nhưng tự hào nhất và đáng nhớ nhất với anh có lẽ là khoảng thời gian mày mò, nghiên cứu sáng kiến “Thiết kế quy trình giảm thời gian camera định vị sản phẩm khi cắt”.

Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Công ty TNHH Toyoda Boshoku chuyên dệt vải túi khí cho ô tô với công đoạn sản xuất gồm lên sợi – dệt – tẩy rửa – tráng phủ – cắt hình. Trước khi cắt các sản phẩm túi khí thành hình dạng tiêu chuẩn, máy cắt cần phải kiểm tra và xác định vị trí cắt bằng camera. Sáng kiến xuất phát từ bất cập của công đoạn cắt cần phải dùng camera di chuyển tới 6 điểm định vị, máy thành phẩm 102.5 giây/túi, người kiểm tra chờ máy 8 giây/túi. Trước bối cảnh đơn hàng vượt quá năng lực sản xuất, mặc dù huy động công nhân làm thêm giờ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghĩ là làm, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh Tuấn đã có ý tưởng và được lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện để nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng. Sáng kiến của anh Tuấn được Công ty cho phép thử nghiệm từ tháng 3/2021, kết quả kiểm tra chất lượng, độ ổn định kích thước định vị của sản phẩm đạt theo yêu cầu; sau đó được Công ty công nhận và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong đơn vị từ tháng 9/2021 với giá trị làm lợi 3,8 tỷ đồng/năm. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn để anh Tuấn nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn trong thời gian tới.

Trong khi đó, vào làm việc tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) từ năm 2002 đến nay, anh Đặng Quang Hào (sinh năm 1983), đã có bảng thành tích rất đáng để ngưỡng mộ với hơn 300 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng.

Anh Hào chia sẻ: “Những ngày đầu vào làm việc ở công ty, tôi cũng chưa có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, tôi đã tự đặt mục tiêu cho mình là phải có những sáng kiến, cải tiến đóng góp cho sự phát triển của Công ty. Vậy là tôi luôn quan sát tỉ mỉ từng khâu, từng trang thiết bị trong công việc của mình để nghĩ các giải pháp hiệu quả hơn. Từ những thay đổi nhỏ, giá trị vài triệu đồng đến những cải tiến lớn, mang lợi hàng chục triệu đồng. Đến nay, tôi đặt mục tiêu mỗi tháng phải có 2 đề tài cải tiến kỹ thuật”.

Theo anh Đặng Quang Hào, một trong những cải tiến mà anh ấn tượng nhất là phương pháp giảm chi phí vận chuyển. Thay vì chỉ sử dụng một loại xe, anh đã đề xuất sử dụng 2 loại xe có trọng tải khác nhau, phù hợp với từng đơn hàng, nhờ vậy đã giúp công ty giảm chi phí mỗi tháng trên 80 triệu đồng. Hay như các giải pháp giúp giảm điện năng, cân bằng line (chuyền sản xuất), chỉ dẫn địa lý để xe vận chuyển đúng tuyến, đảm bảo thời gian vận tải… Đáng chú ý là giải pháp giúp tăng thể tích kiện hàng hóa, nếu như trước đây, một thùng hàng chỉ xếp được 10 sản phẩm, thì nhờ có cải tiến của anh Hào, mỗi kiện hàng của công ty đã có thể xếp được 20 sản phẩm, từ đó tăng thể tích sử dụng của xe, giảm tần suất chuyến.

Ghi nhận sự nỗ lực của anh Đặng Quang Hào, Ban lãnh đạo Công ty và Công đoàn đã trao tặng anh nhiều Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất…

Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động vào tháng 12/2021, thời điểm cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới phục hồi kinh tế – xã hội. Chương trình nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam, cộng khổ của đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cả nước đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng với điều kiện bình thường mới; đồng thời đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác.

Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã được 100% các LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc triển khai tới cơ sở.

Theo số liệu báo cáo của các đơn vị, Tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký của 83 đơn vị đến nay đạt trên 1 triệu sáng kiến. Trong đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội là đơn vị đăng ký sớm nhất và số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu cao nhất cả nước với hơn 130.000 sáng kiến (vượt gấp 2 lần so với chỉ tiêu định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam).

Chia sẻ về ý nghĩa của Chương trình, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, chương trình nhằm khẳng định và niềm tự hào của tổ chức Công đoàn Việt Nam dành cho những người lao động bằng trí tuệ, bằng sức sáng tạo không ngừng đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình “1 triệu sáng kiến” đối với quá trình phục hồi kinh tế và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, ông Trần Thanh Hải đề nghị các cấp Công đoàn cần nỗ lực, tích cực vào cuộc. “Phải làm sao để nói đến Chương trình “1 triệu sáng kiến” là đoàn viên, CNVCLĐ, chính quyền các cấp biết rằng đây là chương trình ý nghĩa của tổ chức Công đoàn và qua đó, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn sẽ được nâng lên”, ông Trần Thanh Hải nói.

Chăm lo đời sống người lao động

Theo Tổng LĐLĐ, qua 10 năm thực hiện Tháng Công nhân vào tháng 5 hàng năm, các cấp Công đoàn cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ trao cho cho công nhân bị tai nạn lao động.

Đặc biệt, từ năm 2016, Tháng Công nhân được tổ chức gắn với các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động. Do đó, tháng 5 hằng năm được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Ở cấp Trung ương, hoạt động được ghi nhận và đánh giá cao trong 5 năm trở lại đây, đó là vào Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ giao lưu, đối thoại với công nhân lao động nhằm ghi nhận, khẳng định những đóng góp của công nhân lao động đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để đoàn viên, CNVCLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chế độ, chính sách góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân ngày càng vững vàng, lớn mạnh.

Triển khai các hoạt động nhân Tháng Công nhân, ở cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, các cấp Công đoàn đã chú trọng thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên; chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của đoàn viên, người lao động; tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc triển khai và bổ sung Thỏa ước lao động tập thể để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, như: Tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, cải thiện bữa ăn ca…

Dịp này, các cấp Công đoàn cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động như: Thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thăm quan, du lịch, nghỉ mát, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở…

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Tại các cuộc làm việc và gặp gỡ, nhiều đề xuất của tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, an ninh – an toàn nơi làm việc và nơi ở, việc đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bữa ăn ca, học tập nâng cao tay nghề, đảm bảo việc làm bền vững, chăm sóc sức khỏe công nhân lao động, nhất là công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ghi nhận, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, phối hợp với Công đoàn và người sử dụng lao động giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, khích lệ công nhân lao động hăng hái thi đua, lao động sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, thông qua các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Trao qua cho người bị tai nạn lao động trong tháng hành động về an toàn lao động và Tháng Công nhân 2022.

Năm 2022, tình hình trong nước và thế giới dự báo có nhiều khó khăn do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19; đời sống, thu nhập, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực rất lớn của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.

Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để chiến thắng đại dịch; thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Để hoạt động thực sự có hiệu quả, Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”, đề nghị các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước tập trung triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn hệ thống công đoàn, đoàn viên, người lao động và cả xã hội về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng Công nhân”.

“Bên cạnh đó, các cấp công đoàn chủ động và phối hợp tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động; đặc biệt là Nghị quyết số 17/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”; Quyết định số 08 ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động; Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19””, ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cấp Công đoàn cần tổ chức tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, nhất là sơ kết phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, qua đó phát huy vai trò tiên phong, trách nhiệm của công nhân đối với doanh nghiệp và đất nước.

Xuân Minh/Báo Tin tức

Nguồn: BAOTINTUC

Tin Liên QuanMUST READ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN MỚI NHẤT

Nhà sản xuất realme vừa xác nhận thông tin mẫu smartphone phổ thông realme C65 sẽ được hãng ra mắt tại thị trường Việt Nam vào ngày 2.4 tới.
Khoảng gần 70.000 tấn LNG sẽ được giao tại Kho cảng LNG Thị Vải vào ngày 12-13/4/2024 theo hợp...
Kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn Theo Báo cáo thường niên năm 2023 của VIB, năm nay, Ngân hàng...
Theo dữ liệu từ Dealogic, tổng giá trị M&A trên toàn cầu đã tăng 30% lên khoảng 755,1 tỷ...
- Advertisement -

“Làm mới” bảo hiểm nông nghiệp

Thêm sản phẩm mới Mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh - nhà bảo hiểm có nhiều năm triển khai...

YouTube nghiên cứu giải pháp AI để xem video hết nhàm chán

Nhóm kỹ thuật của YouTube Creator cho biết YouTube đang thử nghiệm một cách mới để chuyển người xem đến những phần hay nhất của video bằng AI (trí tuệ nhân tạo).
- Advertisement -