Năm 2022, doanh nghiệp bán lẻ thận trọng trở lại bình thường

- Advertisment -
Vincom Retail vẫn sẽ theo đuổi chiến lược phát triển các trung tâm thương mại lớn như Vincom Center, Vincom Mega Mall

Vincom Retail vẫn sẽ theo đuổi chiến lược phát triển các trung tâm thương mại lớn như Vincom Center, Vincom Mega Mall

Tầm nhìn của “ông lớn”

Tình trạng của ngành bán lẻ hiện nay không tệ như nhiều người vẫn tưởng. Các chủ đầu tư vốn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch nhằm thực thi “tầm nhìn xa trên 10 km” của mình.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam khẳng định, trong năm 2022, Aeon Việt Nam sẽ tập trung mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với mô hình bán lẻ đa dạng, trong đó có trung tâm mua sắm, trung tâm bách hoá tổng hợp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh.

“Vì Covid-19, chúng tôi đã có một năm nhiều thách thức”, ông Furusawa Yasuyuki chia sẻ với giới truyền thông những ngày cuối năm 2021. Một trong những khó khăn được kể đến là các kế hoạch đầu tư, mở rộng thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh mới của Aeon. Song không vì thế mà các kế hoạch đó bị chững lại.

Aeon có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng mạnh so với chỉ 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay. Aeon cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500 m2. Ngoài ra, Aeon Mall (công ty con của Tập đoàn) có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.

Ông Furusawa Yasuyuki tự tin, trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm cho việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Aeon dựa trên nhiều yếu tố, như tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu, tỷ lệ đô thị hoá, tỷ lệ kênh phân phối hiện đại… đều tăng mạnh.

Đặc biệt, kênh thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 24%/năm. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ sẽ giúp doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này dự đoán tăng gấp 3 lần.

Các nhà đầu tư Nhật Bản khác cũng có kế hoạch mở rộng ở Việt Nam. Đơn cử, Sumitomo Corp. có kế hoạch hợp tác với BRG Group để mở thêm các siêu thị nằm trong chuỗi FujiMart mang phong cách Nhật Bản tại Việt Nam (hiện có 3 cơ sở tại Hà Nội). “Trong thời kỳ dịch bệnh, các siêu thị đã thu hút một lượng lớn khách hàng, vì họ tin rằng, mua đồ ở siêu thị đảm bảo vệ sinh hơn”, ông Keisuke Hitotsumats, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam chia sẻ.

Thay vì nhân rộng mô hình một cách gấp gáp, FujiMart luôn cân nhắc và lên kế hoạch một cách cẩn trọng để mở được những siêu thị thật chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân Hà Nội, cũng như kiến tạo một không gian mua sắm thoải mái, thân thiện nhất với người tiêu dùng Việt Nam. Trong thời gian tới, khi sự giao thoa giữa hai nền văn hóa trở nên rõ ràng và khi đã hiểu hơn về người tiêu dùng, FujiMart sẽ mở rộng mô hình siêu thị nhiều hơn nữa.

Tập đoàn Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC – Thái Lan) cho biết, sẽ đầu tư vào Việt Nam khoảng 35 tỷ bath Thái (tương đương 1,1 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới. Động thái này nằm trong chiến lược mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh, thành phố trên toàn quốc của Tập đoàn.

Theo ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Retail tại Việt Nam, kế hoạch 5 năm này sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng, để gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng; phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh.

Trong năm 2021, Central Retail đã đầu tư khoảng 6,6 tỷ bath (211 triệu USD) mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình và Lào Cai và một siêu thị mini Go! ở Tây Ninh. Bên cạnh đó, Central Retail tiến hành chuyển đổi 8 đại siêu thị BigC thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị BigC thành siêu thị Tops Market. Tập đoàn sẽ tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh với mảng phi thực phẩm.

Trong khi đó, Vincom Retail vẫn theo đuổi chiến lược phát triển các trung tâm thương mại lớn như Vincom Center, Vincom Mega Mall trong giai đoạn 2021 – 2026. Ngoài ra, khi dịch bệnh còn phức tạp, tên tuổi này cho biết, có thể hoạt động bình thường ít nhất trong một năm từ nguồn tiền mặt dồi dào mà không cần tài chính bên ngoài.

Hơn một thập kỷ qua, Vincom Retail thực hiện chiến lược mở rộng phạm vi phủ sóng trung tâm thương mại, đảm bảo vị thế và quỹ đất thông qua loại hình Vincom Plaza, hướng đến khách hàng phổ thông ở những nơi có mật độ dân cư cao nằm ngoài trung tâm TP.HCM, Hà Nội, hay những vị trí đắc địa ở các tỉnh, thành phố khác.

Thời điểm này, Vincom Retail sẽ xoay chuyển chiến lược tập trung mô hình trung tâm thương mại lớn như Vincom Center và Vincom Mega Mall. Doanh nghiệp muốn mở mới 27 Vincom Mega Mall và 2 Vincom Center, nâng tổng số trung tâm thương mại của hai loại hình này lên lần lượt là 31 và 9 trung tâm thương mại.

Vincom Mega Mall Smart City đã mở cửa một số gian hàng thiết yếu từ quý IV/2021 và mở cửa hoàn toàn vào năm 2022. Trung tâm thương mại này có tổng diện tích sàn xây dựng 68.000 m2 và 49.000 m2 diện tích sàn sử dụng – được kỳ vọng sẽ tạo nguồn doanh thu lớn cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của MBS, chiến lược trên của Vincom Retail sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp, bởi thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển hơn, nhu cầu về trung tâm thương mại lớn và tích hợp sẽ tăng lên. Ngoài ra, các trung tâm thương mại lớn thu hút các thương hiệu quốc tế và khách thuê cố định có sức chống chịu tốt hơn với các gián đoạn như thời điểm dịch.

Bên cạnh đó, Vincom Retail có lợi thế rất lớn từ hệ sinh thái Vingroup và các dự án lớn vừa triển khai như Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Ocean Park (tháng 12/2020), hay sắp triển khai như VMM Smart City (kỳ vọng quý IV/2021), Vincom Plaza Mỹ Tho, Bạc Liêu, VMM Grand Park (kỳ vọng năm 2022).

“Hoãn binh” và cơ cấu lại danh mục đầu tư

Trong 2 năm qua, đại dịch đem lại nhiều ẩn số khó lường khiến các chủ đầu tư trung tâm thương mại “hoãn binh” việc ra mắt trung tâm thương mại. Hầu hết kế hoạch khai trương các trung tâm thương mại mới được đẩy sang năm 2022 do tỷ lệ lấp đầy không đạt yêu cầu. Các trung tâm thương mại cũng có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê.

Dữ liệu từ Savills cho thấy, thị trường bán lẻ ở phân khúc trung tâm thương mại tiếp tục chào đón hơn 300.000 m2 tại Hà Nội trong vòng 3 năm tới và 500.000 m2 tại TP.HCM trong 5 năm tới. Tỷ lệ lấp đầy, giá cho thuê sẽ dần hồi phục theo đà của nền kinh tế.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội dự báo, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ từ nay đến quý II/2022 sẽ tập trung ở các phân khúc trung, cao cấp và khó bứt tốc, bởi có quá nhiều thay đổi của mô hình thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến, đặc biệt khi người tiêu dùng đã thích nghi với mua sắm online trong 2 năm đại dịch vừa qua.

Tuy nhiên, theo bà Nguyệt Minh, khi bán hàng trực tuyến tại Việt Nam còn bất cập về khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa, thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn mặt bằng bán lẻ truyền thống. Các nhãn hàng, với mặt bằng vật lý, vẫn giữ được lợi thế khi có mặt bằng vừa để quảng bá sản phẩm, vừa để cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tới khách hàng.

Cụ thể, với mảng nhà hàng, người Việt vẫn có nhu cầu đến nhà hàng cao hơn so với đặt hàng mang về, do khách hàng ưa thích trải nghiệm cảm giác được phục vụ tại nhà hàng và không gian ăn uống. Về mảng mỹ phẩm, các thương hiệu như Sociolla, Beauty Box, Nars… vẫn cần các cửa hàng vật lý để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm của khách hàng. Đối với mảng thời trang, các nhãn hàng thời trang của nước ngoài vẫn chuộng mô hình cửa hàng truyền thống tại Việt Nam…

Lãnh đạo Savills cho rằng, sau giai đoạn này, các mặt bằng tại khối đế bán lẻ khu chung cư và trung tâm thương mại sẽ được chuộng hơn so với nhà phố do tiện ích của tổng khu mang lại.

Vậy nên, câu chuyện các nhãn hàng rời khỏi trung tâm thương mại để tìm kiếm các mặt bằng để mở các cửa hàng flagship của các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Christian Dior sẽ không quá phổ biến. Để các nhãn hàng có thể tìm được các địa điểm đẹp và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, như mặt sàn, diện tích sử dụng, đường đi lối vào, là vô cùng khó khăn. Trong khi các địa điểm tại khu vực trung tâm quận trung tâm lõi của các thành phố lớn ngày càng khan hiếm, trung tâm thương mại vẫn sẽ được coi là lựa chọn hợp lý hơn.

Đối với nhóm doanh nghiệp F&B, các nhu cầu về mặt bằng bán lẻ đều tập trung ở phân khúc nhà phố và trung tâm thương mại. Họ phải chú trọng đầu tư, vốn ban đầu lớn, nên kể cả có được hỗ trợ về giá thuê trong thời gian đóng cửa, thì chi phí hàng hóa, trang thiết bị, chi phí tài chính, nhân sự vẫn quá cao, từ đó nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa và thu nhỏ hoạt động kinh doanh.

Do vậy, các chủ nhà phố và sàn thương mại bán lẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể lấp đầy diện tích trống do khách thuê F&B để lại. Điều này cho thấy, chủ mặt bằng cần có phương án cho thuê linh động hơn như: chia nhỏ tiến độ thanh toán, đảm bảo giấy phép đăng ký kinh doanh cho mặt bằng, ưu đãi về chỗ đỗ xe, biển hiệu quảng cáo, chấp nhận các điều khoản thuê thích nghi với nhu cầu của các nhãn hàng và tình hình Covid-19…

Trong vòng một năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến F&B vào thị trường Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt đối với chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê, nhưng cũng là sức ép với doanh nghiệp nội về mặt cạnh tranh.

Cách đây hai thập kỷ, Việt Nam có 10% dân số thuộc tầng lớp trung lưu (được định nghĩa là có đủ thu nhập để trả các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, quần áo, hàng hoá, dịch vụ tuỳ thích khác), nhưng đến nay đã có 40%.

Khoảng 4 triệu người đã có chi tiêu mỗi ngày hơn 30 USD, tương đương khoảng 690.000 đồng và ước tính 10 năm sau, con số này là 20 triệu người.

Hiện người tiêu dùng dành nhiều sự ưu ái hơn cho các thương hiệu bản địa và nhiều doanh nghiệp đã thành công với mô hình bán lẻ hiện đại.

Nguồn: Báo cáo Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt của McKinsey & Company

Nguồn: TNCK

Tin Liên QuanMUST READ

TIN MỚI NHẤT

Các chuyên gia đều cho rằng không có hệ thống nào bảo mật 100% và sự cố bị tấn công của VNDIRECT là bài học cho tất cả doanh nghiệp, tổ chức cũng như người dùng.
“Có phần” từ Lô B - Ô Môn Với sự đốc thúc liên tục của các cơ quan...
Kỳ vọng lợi nhuận tăng bằng lần Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong...
Yêu cầu này vừa được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
- Advertisement -

Doanh thu Bancassurance giảm sâu

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm quy...

Tòa án Mỹ: Sony không ăn cắp bằng sáng chế tay cầm chơi game

Sony vừa thắng vụ kiện nửa tỉ USD liên quan đến bằng sáng chế tay cầm chơi game.
- Advertisement -